Cột sống là trụ cột quan trọng nhất của khung xương quyết định dáng vóc riêng của mỗi người. Một cột sống khỏe và đẹp phải thẳng, uốn lượn đều đặn, không gấp khúc, cong vẹo. Từng đốt xương phải cứng chắc, nhưng cử động của cả cột sống lại phải mềm mại uyển chuyển. Các đôi xương sườn và xương ức tạo thành một khung lồng ngực, có tác dụng bảo vệ các cơ quan trọng yếu như tim, phổi, đồng thời tạo ra hoạt động hô hấp. Các xương dài như xương đùi, ống chân, cánh tay, cẳng tay… góp phần quan trọng vào quyết định chiều cao, đồng thời chứa tủy xương là cơ quan tạo máu cho cơ thể. Khung chậu đặc biệt quan trọng ở phụ nữ, vì ảnh hưởng trực tiếp đến chuyện mang thai và sinh nở. Một khung chậu tốt phải rộng, cân đối, các khớp dẻo dai, giãn nở tốt. Hộp sọ nằm ở đầu trên cột sống, là các xương dẹp tạo hình gương mặt, tạo thanh cho giọng nói với các xoang, và chứa đựng cơ quan thần kinh trung ương tối cao là não bộ.

Có 3 giai đoạn xương phát triển nhanh và quan trọng nhất là giai đoạn trong bào thai, giai đoạn dưới 2 tuổi, và giai đoạn dậy thì. Tuổi dậy thì là giai đoạn cuối cùng và quan trọng nhất để khung xương phát triển và định hình toàn diện. Trong hai năm dậy thì, mỗi năm trẻ có thể cao thêm 10-12cm. Sau dậy thì, chiều cao phát triển chậm hẳn, chỉ 1-2cm mỗi năm cho đến 18 tuổi. Dinh dưỡng và tập luyện trong giai đoạn dậy thì là những yếu tố không thể thiếu để góp phần xây dựng một khung xương tốt mà mỗi người sẽ mang theo suốt cuộc đời mình.

Để khung xương phát triển tốt và khỏe mạnh, thì cần bổ sung đầy đủ các chất cần thiết cho sự phát triển khung xương ở tuổi dậy thì bao gồm Canxi, chất đạm, các vitamin D, A, C, và các chất tạo máu như sắt, B12, axit folic. Đương nhiên, các chất này phải được cung cấp trên nền tảng một chế độ dinh dưỡng đủ về lượng và cân đối về chất. Mỗi ngày, một trẻ trong độ tuổi tiền dậy thì và dậy thì cần khoảng 6 chén chất bột đặc (cơm, mì, nui…), 150g thức ăn giàu đạm (thịt cá, tôm cua), 200g trái cây tươi, 300-400g rau các loại và 1-1,5 lít sữa. Lưu ý sau hai năm của tuổi dậy thì, nhu cầu dinh dưỡng chỉ còn 50-70% so với lượng thức ăn này.

Vận động trong giai đoạn dậy thì không chỉ giúp cho các xương tăng trưởng tốt hơn, mà còn có tác dụng chỉnh hình để tạo hình cho khung xương. Vì vậy, tập luyện trong giai đoạn này cần đúng động tác, đúng tư thế, tránh sự đè ép lên cột sống hay làm lệch trục các xương. Có thể chơi môn thể thao nào tùy ý thích, nhưng các môn thể thao có lợi nhất cho giai đoạn này là bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, bơi lội… Các môn cử tạ, thể hình, võ thuật… nếu thích cũng chỉ nên tập tích cực sau tuổi dậy thì.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

 
Cách tăng chiều cao, Phương pháp tăng chiều cao nhanh hiệu quả © 2014. All Rights Reserved. Powered by Blogger
Top